Bức tường ở Hà Nội từng được rao bán với giá hơn 1 tỷ đồng giờ ra sao?

Mặc dù câu chuyện về bức tường hy hữu này đã diễn ra cách đây 9 năm trước nhưng vài ngày gần đây một lần nữa lại được nhiều người “đào bới” lại khiến dư luận xôn xao.
Lần đầu tiên lên tiếng sau khi rao bán bức tường 1,7 m2 với giá 1 tỷ đồng, ông chủ bức tường nhận định mức giá trên rẻ bằng nửa so với giá trị thực.
Sự việc khá hy hữu tại Hà Nội đang được dư luận quan tâm: Bức tường 1,7m2 được rao bán với giá… 1 tỷ đồng. Đó là thửa đất 1,7 m2 của gia đình ông Nguyễn Phương Châm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) sau khi giải phóng mặt bằng phục vụ cho mở đường.
Chủ nhân bức tường đã viết dòng rao bán với nội dung: “Sau khi giải phóng mặt bằng, gia đình tôi còn lại 1,7m2 đất, chiều dài 10,85m, chiều rộng 0,14m” kèm theo số điện thoại để người mua liên hệ. Dòng rao bán này đã trở thành chuyện lạ trên con đường đắt nhất hành tinh – đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – chưa đầy 565,97m; tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao có câu chuyện hy hữu như vậy, phóng viên liên lạc theo số điện thoại để lại trên bức tường. Ban đầu, chủ nhân bức tường, ông Nguyễn Phương Châm từ chối trả lời phóng viên bởi lo ngại bị cơ quan chức năng hiểu lầm là người “thiếu tính xây dựng”.
Tuy nhiên, sau đó ông Châm đồng ý chia sẻ với phóng viên nhưng “giao kèo” chỉ nói về “vấn đề kinh tế”. Ông cho biết, sau khi giải phóng mặt bằng từ ngôi nhà mặt đường hơn 60m2, ông được trả lại 1,7m2. Trên mảnh đất này ông không xây nhà siêu mỏng siêu méo, nên đã rao bán.
Ông phân tích, nếu mua lại bức tường, ngôi nhà phía trong nghiễm nhiên trở thành nhà mặt đường. Từ đó, giá đất cũng tăng vọt lên rất nhiều lần. Cụ thể, theo tìm hiểu của ông, mảnh đất của nhà bên trong ban đầu “trăm triệu không ai mua”, nếu trở thành đất mặt đường sẽ có giá 350 triệu đồng/m2.
Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài hiện tại trở thành con đường khang trang, sạch đẹp và có mặt bằng kinh doanh khá đắt đỏ.
Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài hiện tại trở thành con đường khang trang, sạch đẹp và có mặt bằng kinh doanh khá đắt đỏ.
“Nếu tôi cứ để bức tường đó, hay cho thuê là cái biển quảng cáo thì mảnh đất bên trong có giá trị rất thấp. Nếu mua lại bức tường này, mảnh đất bên trong tăng giá trị lên nhiều lần. Nếu tính 350 triệu đồng/m2 thì mảnh đất bên trong bán được 23 tỷ đồng. Do vậy, nếu họ mua bức tường của tôi 1 tỷ đồng vẫn rẻ”, ông Châm phân tích.
Phân tích ở khía cạnh khác, ông Châm cho hay, quy đổi theo cách tính thị trường “1m mặt đường ăn 4m trong ngõ”. Như vậy, bức tường 1,7m2 đất mặt đường tương đương với 6,8m2 đất bên trong. Như vậy, với 6,8m2 với giá thị trường 350 triệu/m2 bức tường trên có giá hơn 2,3 tỷ đồng.
“Trong khi đó, tôi chỉ bán có 1 tỷ đồng, như vậy rẻ chưa bằng nửa giá trị thị trường”, ông Châm cho hay.
——————————
Đến hiện tại, bức tường đã không còn tồn tại. Nhiều người dân xung quanh đó khi được hỏi cũng lắc đầu không biết về sự tồn tại của bức tường “huyền thoại” này. Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài bây giờ cũng trở thành con phố buôn bán sầm uất, nhộn nhịp và có giá thuê mặt bằng hết sức đắt đỏ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *